Nốt nhạc hình tượng / Khám phá giọng và thanh âm

HAI CÔNG CỤ VÀ HOẠT ĐỘNG DẠY-HỌC

CẦN ÁP DỤNG VÀO GIÁO DỤC ÂM NHẠC Ở VIỆT NAM

Ths. Hồ Ngọc Khải

Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai

            Johann Heinrich Pestalozzi (1746-1827) – một nhà sư phạm người Thụy Sĩ vào cuối thế kỷ 18, đã đưa ra hê thống 7 nguyên tắc dạy học âm nhạc cho trẻ em, bao gồm: (1) Âm thanh trước ký hiệu; (2) Trải nghiệm âm nhạc qua nghe và bắt chước – cảm thụ tích cực thay vì cảm thụ tiêu cực; (3) Học riêng tiết tấu, giai điệu, và biểu hiện, trước khi kết hợp; (4) Luyện tập và lĩnh hội âm nhạc theo từng bước; (5) Thực hành đi trước lý thuyết; (6) Phân tích và luyện tập âm thanh chính xác để ứng dụng vào âm nhạc; và (7) Học hát và đàn trên cùng một hệ thống ký âm (Abeles, 1995). Những nguyên tắc này không những không lỗi thời mà còn được phát triển một cách rộng rãi trong nền giáo dục âm nhạc thế giới hiện nay. Chúng còn là kim chỉ nam xuyên suốt quá trình sáng tạo các phương pháp dạy-học âm nhạc của các nhà sư phạm lỗi lạc thế giới; điển hình là Kodály, Carl-Orff, Dalcroze, và Suzuki. Vì vậy, môt trường học tập âm nhạc cần phải là một môi trường để trẻ khám phá, trải nghiệm hình ảnh, âm thanh, chơi đùa, vận động, biểu diễn nhạc cụ, cảm nhận và sáng tạo.

Qua trải nghiệm cả về lý thuyết và thực hành với các phương pháp kể trên tại Hoa Kỳ, tôi xin chọn lọc và giới thiệu hai công cụ dạy học và hoạt động âm nhạc. Đó là Nốt nhạc hình tượng (Iconic Notation) và Khám phá giọng thanh âm (Vocal and Voice Exploration). Hai công cụ này đang được sử dụng phổ biến tại hầu hết các lớp học âm nhạc cho trẻ em tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác. Hy vọng rằng việc nghiên cứu và áp dụng những công cụ và hoạt động này đáp ứng một phần nhu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục âm nhạc ở nước ta hiện nay.

 1. Nốt nhạc hình tượng (Iconic Notation)

            Khái niệm nốt nhạc hình tượng có lẽ mới mẻ với giáo viên âm nhạc ở Việt Nam. Iconic – trong tiếng Anh là một tính từ chỉ những gì thuộc về hình tượng, biểu tượng, và tranh ảnh. Vậy Iconic Notation là những nốt nhạc được viết dưới dạng hình ảnh; thường là các con vật, trái cây, hay sự vật. Iconic Notation thường được sử dụng trong các lớp học Âm nhạc theo phương pháp Kodály cho trẻ em vào các lứa tuổi mẫu giáo và đầu bậc tiểu học.

Ở Hoa Kỳ, lớp Mẫu Giáo (trẻ 5 tuổi) được xếp vào bậc tiểu học (Primary School) của hệ thống giáo dục quốc dân. Trẻ bắt đầu được học âm nhạc một cách chính thức từ lớp này. Người ta dùng Iconic Notation để dạy đọc nhạc và lý thuyết cơ bản ban đầu cho trẻ. Mục tiêu chủ yếu của việc sử dụng công cụ giảng dạy này là để nối kết giữa âm nhạc và hình ảnh (Connecting Sound and Symbol) (Pearson Education, 2011). Theo quan điểm của các nhà sư phạm, trẻ sẽ dễ hình dung, dễ nhớ, và dễ cảm nhận các khái niệm về lý thuyết, nếu được học các khái niệm đó dưới dạng “hình ảnh và biểu tượng hóa” thay vì trẻ học các nốt nhạc theo cách viết truyền thống. Những nốt nhạc đó sẽ trở nên dễ thương và gần gủi với trẻ qua những con vật như chú chim, con ếch; hay quả chuối, quả táo, cục tẩy v.v. Các nốt nhạc biểu tượng bằng hình ảnh thường được sử dụng liên quan với nội dung bài hát. Ví dụ: Bài hát “Cây Táo” (Apple Tree). Mỗi nốt nhạc sẽ được viết dưới hình ảnh một quả táo. Nốt móc đơn thì viết bằng nửa quả, còn nốt đen thì viết một quả. Quả táo nằm trên dòng kẻ 1 là nốt Mi, trên dòng kẻ 2 là nốt Sol, còn ở phía trên dòng 2 là nốt La.

(Tạm dịch: Cây táo là cây táo. Quả cây táo có rơi vào em? Em không khóc, không nhăn nhó. Nếu quả táo làm em té ngã).

Một trong những đòi hỏi quan trọng đối với giáo viên âm nhạc khi sử dụng Nốt Nhạc Hình Tượng là sự sáng tạo. Bởi mỗi giáo viên cần nghĩ và tạo ra những nốt nhạc hình tượng sao cho thật dễ thương, gần gủi với tâm lý của trẻ, và có sức thu hút trẻ đến với bào học. Việc sử dụng màu sắc nổi bật và tương phản cũng tạo nên sự hấp dẫn của các bản nhạc hình tượng (iconic chart). Thường không phải giáo viên phải viết cả một bài hát dài dưới dạng nốt hình ảnh, mà chỉ viết các bài hát-các bài xướng âm nhỏ, hoặc các trích đoạn âm nhạc trong đó có phần lý thuyết mà giáo viên cần giới thiệu cho trẻ trong tiết học. Chú ý rằng không phải trẻ chỉ học âm nhạc qua hệ thống viết nốt hình tượng này trong suốt giờ học, nhưng hệ thống này thường được sử dụng trong giai đoạn ban đầu của bài học âm nhạc, giai đoạn làm quen và giới thiệu. Khi trẻ đã quen với bài hát, với khái niệm về cao độ, tiết tấu, chúng sẽ được học trên hệ thống nốt chuẩn trong giai đoạn luyện tập. Bởi theo phương pháp Kodály, bài học âm nhạc sẽ được tiến hành qua ba bước: chuẩn bị (preparation), giới thiệu (presentation),và luyện tập (practice) (Loong, n.d.).

Khi viết nhạc ở dạng Iconic Notation, cần bỏ qua một số ký hiệu âm nhạc như khóa, nhịp, số dòng, v.v. Nhờ đó, bản viết nhạc trở nên đơn giản, dễ hiểu, dễ đọc đối với trẻ em. Khi tôi thực tập giảng dạy ở các lớp tiểu học công lập tại bang Hawaii, nhóm chúng tôi thường xuyên hàng tuần phải làm những bản nhạc viết bằng nốt nhạc hình tượng. Dòng nhạc được kẽ thật to. Nốt nhạc thì được vẽ bằng hình ảnh con ốc, quả chanh, v.v, rồi dùng miếng dính để đính vào dòng nhạc. Giáo sư hướng dẫn của chúng tôi thường nhắc nhở: “Make it simple, but impressive” (Thật đơn giản, nhưng phải ấn tượng). Bà còn nói, “Let think you are a child when doing the visual teaching aids” (Hãy nghĩ mình là một đứa trẻ khi làm những học cụ trực quan này). Thật sự, những câu nói ấy khiến tôi nhận thức rằng, giảng dạy âm nhạc cho trẻ em, từ bài hát, bài đồng dao, câu chuyện, đến đồ dùng và phương pháp phải dành cho trẻ em và thỏa mãn nhu cầu của các em; chứ không phải là áp đặt những tư tưởng của  người lớn vào trẻ.

Trong điều kiện phát triển của khoa học máy tính hiện nay, các bài học âm nhạc sử dụng nốt nhạc hình tượng đề cập trên đây có thể được dễ dàng thiết kế trên các phần mềm có tính ứng dụng cao trong quá trình dạy và học. Chúng ta có thể dùng phần mềm Power Point trong Microsoft Office để thiết kế các bài học này. Ngoài ra, hiện nay Smart Notebook – một dạng phần mềm liên kết với bảng tương tác, là một phần mềm vi tính có rất nhiều ứng dụng đồ họa và âm thanh đang được triển khai và phát triển trong trường học cũng hổ trợ tốt cho việc thiết kế các bài học âm nhạc dạng này. Phần mềm đặc biệt có thể giúp chúng ta viết trực tiếp nốt nhạc trên các Slides trình chiếu – một ứng dụng chưa có ở các phần mềm trước đây. Nếu có điều kiện tôi xin giới thiệu về phần mềm này đến quý thầy cô trong một dịp hội thảo khác. Dưới đây là ví dụ một bài học âm nhạc được thiết kế trên Smart Notebook, xin trích dẫn để quý thầy cô tham khảo.

Nguồn hình: Tư liệu dạy học của GS-TS Chet Yeng, Loong – tại Kodály Level I Workshop, tại ĐH Hawaii at Manoa, Hè 2011.

Bài xướng âm trên trích từ bài hát “Hot Cross Burn” (Bánh nướng nóng) – là một bài xướng âm dành cho học sinh lớp 2 cấp Tiểu học. Ở phần đầu nốt nhạc được hình tượng hóa dưới hình tượng những chiếc bánh nóng. Trong bài học này, học sinh sẽ học xướng âm ba nốt Mi- Re- Do được viết trên hệ thống Moveable DO – DO chuyển động – tương đương với La-Sol-Fa trong hệ thống Fixed DO – hệ thống DO Cố Định như chúng ta đang sử dụng. Sau khi làm quen xướng âm các nốt dưới dạng hình ảnh, các em sẽ đọc với các nốt nhạc viết hoàn chỉnh trên khuông nhạc. Hình ảnh chiếc đàn Xylophone để giúp các em xác định đó là ba âm liền nhau trên thang âm. Các quả tim thường ở được dùng để chỉ các phách đều nhau – bởi cách dễ nhất để trẻ hiểu và  cảm nhận khái niệm phách với sự tiến hành đồng đều trong âm nhạc là nhịp đập đều đặn của trái tim người, hay gọi là heart-beat.

2. Khám phá giọng và thanh âm (Vocal and Sound Exploration)

            Theo quan điểm các nhà sư phạm âm nhạc phương Tây, việc giúp trẻ tự khám phá khả năng phát âm và khả năng mô phỏng âm thanh của thế giới chung quanh bằng giọng tự nhiên của mình là một hoạt động cần thiết và có tính nền tảng ban đầu trong giáo dục âm nhạc. Bởi thông qua việc diễn đạt thế giới âm thanh bằng chất giọng tự nhiên sẽ giúp trẻ nhận thức được sự phong phú và đa dạng của âm thanh, âm nhạc và khả năng âm nhạc của bản thân (Pearson Education, 2011). Từ đó, trẻ sẽ tự điều chỉnh các cơ quan phát âm của mình và sẽ hát chính xác hơn trong các giai đoạn phát triển các kỹ năng âm nhạc về sau. Vocal Exploration thường được sử dụng vào đầu tiết học âm nhạc, như một hoạt động warm up – làm ấm lên không khí học tập cũng như một dạng bài tập khởi động giọng, luyện thanh đơn giản cho trẻ. Tham gia các hoạt động này trẻ sẽ được chuẩn bị về cơ quan phát âm, và tư thế, cũng như tinh thần tham gia học âm nhạc. Hình thức vận động thanh đới này được sử dụng cho trẻ từ 4 đến 9 tuổi trong các lớp học ở mầm non và tiểu học hơn là cho trẻ ở tuổi thiếu niên. Trẻ lớn hơn 9 tuổi thì giáo viên dạy âm nhạc có thể áp dụng một số bài tập luyện thanh đơn giản (Pearson Education, 2011).

            Những bài học Vocal Exploration đầu tiên cho trẻ nhằm mục đích giúp các em biết phân biệt và thực hiện các kiểu phát âm khác nhau như nói, thì thầm, la ó –gọi, và hát. Ở dạng hoạt động này, trẻ sẽ tự phát hiện và gọi tên, các vật, con vật, sự vật và hiện tượng, tập mô phỏng âm thanh của chúng bằng các cách phát âm khác nhau (vd: như mèo kêu meo moe, chó kêu gâu gâu, vịt kêu cạp cạp, tiếng em bé khóc, tiếng chiếc chuông kêu. Ở dạng hoạt động này, giáo viên đưa hình ảnh của các con vật, sự vật, hay con người, và cho trẻ tự sáng tạo âm thanh mà chúng có thể mô phỏng. Từ những âm thanh đó, giáo viên đưa ra các mẫu phát âm có tính quy ước chung rồi cho trẻ luyện. Khi trẻ quen cách phát âm với các âm thanh đó, các hình ảnh và các mẫu âm được xếp thành hàng. Ở mỗi hàng, những hình ảnh được sắp xếp kèm theo các âm được trong mối liên kết tiết tấu để trẻ tập phát âm theo nhịp phách. Để phát huy tính sáng tạo cho trẻ, giáo viên có thể tạo điều kiện cho các em tự thay đổi các hình ở mỗi hàng, sau đó luyện đọc trong những mẫu tiết tấu mới (Pearson Education, 2011).

Ví dụ:

Hình thức thứ 2 của Vocal Exploration là tạo các đường nét lên xuống, cao thấp, thay đổi hướng đi trên các tờ giấy cứng. Giáo viên giới thiệu các bức tranh này cho trẻ, đưa ra một mẫu âm thanh như, “uh”, “oa”, v.v, rồi làm mẫu cho các em. Giáo viên dùng tay vẽ trong không gian theo đường nét của các bức tranh để trò phát âm theo. Hình thức này giúp học sinh phân biệt các hướng đi của âm thanh, sự thay đổi giữa âm thanh cao và âm thanh trầm, sự biến đổi của tempo, cũng như cách thức thể hiện các âm đó bằng giọng tự nhiên của mình.

Hình bên là một số mẫu đường nét được sử dụng cho hoạt động Vocal Exploration. Giáo viên có thể sáng tạo ra nhiều đường nét khác nhau để cho trẻ luyện tập trên lớp. Để tập cho trẻ tính tự tin và mạnh dạn trong lớp học âm nhạc. Giáo viên nên cho học sinh thay phiên nhau đứng trước lớp và thực hiện các động tác như của giáo viên đã thực hiện đối với các bức tranh khác nhau để các bạn trong lớp phát âm theo. Cần chú ý, trong mỗi tiết học giáo viên không nên dùng quá nhiều bức tranh khác nhau. Chỉ cần dùng 4 đến 5 bức, nhưng có thể xoay hướng của từng bức thì có thể tạo ra những đường nét mới. Ví dụ, các bức tranh trên khi xoay 180o sẽ cho ta các bức tranh mới sau:  

Đối với trẻ nhỏ tuổi, hoạt động này là một hoạt động vừa chơi vừa học. Tham gia các hoạt động này trẻ sẽ nhận thức các yếu tố khác nhau cấu thành nên âm thanh tự nhiên và âm thanh mang tính nhạc. Qua kinh nghiệm trong công tác trợ giảng cho giáo sư hướng dẫn và thực tập giảng dạy trẻ mẫu giáo đến lớp 4 bậc tiểu học tại Hoa Kỳ, tôi nhận thấy trẻ rất thích hoạt động này, đặc biệt khi các em được chọn thay giáo viên điều khiển cho các bạn thưc hiện. Hình ảnh có thể được vẽ và tô màu như hình dưới để tăng thêm sự hấp dẫn đối với trẻ.

Đôi khi trẻ có xu hướng gào lên, hay ở trạng thái kích động khi phát âm. Vì vậy, trước khi cho học sinh thực hiện hoạt động này, giáo viên cần hướng dẫn cụ thể và đưa ra những yêu cầu cần thiết để các em tuân theo; vừa tạo được sự sôi nổi nhưng vừa giữ được không khí học tập ổn định trong tiết học âm nhạc. 

Hình thức Vocal Exploration thứ 3 là sử dụng các mẫu chuyện kể được lồng ghép với các mẫu âm cho học sinh thực hiện nói, xướng, hay hát khi nghe kể. Các câu chuyện được biên soạn bởi những chuyên gia giáo dục âm nhạc kết hợp với các họa sĩ; được vẽ và thiết kế với hình ảnh được cách điệu thật dễ thương, tô màu sinh động sao cho gần gũi với trẻ. Ở mỗi câu chuyện, các chuyên gia khai thác một hay vài mẫu âm thanh khác nhau, và tập trung vào một nhân tố cơ bản của âm thanh gồm trường độ, cao độ, cường độ, âm sắc, hay tính biểu cảm. Tại Hoa Kỳ hiện nay, có hàng vài trăm mẫu chuyện dùng cho Vocal Exploration được biên soạn và xuất bản, có thể tìm thấy khắp các nhà sách hay siêu thị. Đặc biệt, từng câu chuyện đều có phần hướng dẫn chi tiết để giáo viên âm nhạc có thể luyện tập kể chuyện và phát âm dễ dàng trước giờ lên lớp. Sau đây là một ví dụ về chuyện kể với nội dung khám phá âm thanh và giọng.

Một bầy trẻ rủ nhau đi vào rừng chơi, chúng nghĩ rằng đi theo đường tàu lửa là cách ngắn nhất để đến khu rừng. Thế là cả bầy trẻ đi dọc theo đường tàu. Bổng chúng nghe tiếng còi tàu từ xa, “Hu,hu,hu…” (trẻ bắt chước tiến còi tàu hú với âm lượng nhỏ). Tiếng còi tàu càng đến gần càng to hơn, “Hu, hu, hu,…”(trẻ mô phỏng tiếng còi nhưng với cường độ to hơn). Tàu đang tiếng lại gần hơn, tiếng còi hú càng to, “HU, HU, HU…”; tiếng bánh xe chạy trên đường sắt, “Rụt-tờ-rét, rụt-tờ-rét,….” Cũng càng ngày càng to (Trẻ mô phỏng cả tiếng còi rồi tiếng bánh xe). Cả nhóm sợ quá bỏ đường tàu, chạy sang hai bên đường tàu núp dưới những tảng đá lớn. Chiếc tàu đến gần hơn, gần hơn, rồi chạy ngang mặt chúng, tiếng còi và tiếng bánh xe càng to (cũng âm thanh như trước nhưng cho trẻ bắt chước với cường độ to hơn). Chiếc tàu đi xa dần, âm thanh của còi tàu và tiếng bánh xe nhỏ dần (trẻ hạ giọng làm tiếng còi tàu và bánh xe). Cả nhóm trẻ hú hồn vì nhận ra nếu chúng không nhanh thì có thể nguy hiểm đến tính mạng; nê chúng quyết định quay trở về và sẽ không bao giờ đi trên đường tàu nữa để vào rừng nữa.

Với câu chuyện trên trẻ học về cách phát âm ở các cường độ và tempo khác nhau khi mô phỏng tiếng còi tàu và tiếng bánh xe, từ xa-đến gần-rồi đi xa dần. Giáo viên có thể vẽ đường tàu hỏa trên bảng, tạo một đầu tàu lửa bằng giấy cứng có thể di chuyển được, hay dùng tàu lửa đồ chơi để minh họa. Giáo viên cần tạo không khí gây cấn bằng giọng kể để câu chuyện thêm phần hấp dẫn và thu hút trẻ. Điều quan trọng nhất là quá trình làm mẫu các âm thanh của tiếng còi tàu và tiếng bánh xe sao cho “thật”. 

Qua thực tế quan sát các lớp học âm nhạc cho trẻ em trong suốt 3 năm tại Hawaii, tôi nhận thấy việc khám phá giọng và thanh âm của trẻ em thông qua kể chuyện là một hình thức rất hữu hiệu và có sức thu hút rất lớn đối với trẻ em nhỏ tuổi. Bởi đặc điểm tâm lý lứa tuổi, hầu hết các em đều thích được nghe chuyện kể. Trong hoạt động này, ngoài việc nghe kể các câu chuyện với các cốt truyện vui tươi, hấp dẫn, các em còn trực tiếp tham gia vào mẫu chuyện đó khi xướng lên đủ loại âm thanh khác nhau. Các em được tạo điều kiện để tham gia, hóa thân thành những nhân vật của câu chuyện. Vì vậy, hoạt động dạy-học âm nhạc này thật sự phù hợp và cần thiết với trẻ em mà chúng ta nên nghiên cứu để áp dụng vào giáo dục âm nhạc cho trẻ em Việt Nam.

Một khó khăn trước mắt mà chúng ta dễ dàng nhận thấy khi áp dụng Vocal Exploration bằng chuyện kể tại Việt Nam là việc thiếu hụt tư liệu giảng dạy. Giải pháp trước mắt là chúng ta có thể nhập những mẫu chuyện này từ các nước có nền giáo dục tiên tiến. Chọn lọc những sách chuyện dạng này có nội dung phù hợp với trẻ em và văn hóa đất nước sau đó đề nghị các nhà xuất bản liên hệ để dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Bản thân tôi, từ các mối quan hệ với bè bạn và các giáo sư mà tôi đã học và tiếp xúc, tôi có thể giúp các chuyên viên ở Bộ đặt mua đa số các mẫu chuyện dùng cho Vocal Exploration tại Hoa Kỳ. Ngoài ra từ các tài liệu giảng dạy nhập khẩu này, các nhà chuyên môn âm nhạc và mỹ thuật Việt Nam có thể có những có những kiến thức cơ bản về mọi phương diện trong sáng tác, thiết kế, đồ họa những mẫu chuyện mới với nội dung, hình thức, và nhân vật gắn liền với văn hóa dân tộc để sử dụng có tính lâu dài trong giáo dục âm nhạc nước nhà. Thật sự, để chuẩn bị cho chương trình giáo dục mới 2015, chúng ta vẫn còn đủ thời gian. Điều quan trọng là chúng ta có thật sự muốn thay đổi và quyết tâm áp dụng những “cái mới” này để phát triển nền giáo dục âm nhạc nước nhà cho ngang tầm với các nước khu vực và quốc tế hay không.      

            Hai công cụ và hoạt động, Nốt nhạc hình tượng (Iconic Notation) và Khám phá giọng thanh âm (Vocal and Voice Exploration), được giới thiệu trên chỉ là những phương tiện dạy học âm nhạc tiêu biểu trong số nhiều ứng dụng mới mà tôi đã học và thực tập giảng dạy tại Hoa Kỳ. Trong điều kiện cho phép ở các hội thảo khác trong tương lai, tôi xin được tiếp tục giới thiệu thêm nhiều ứng dụng và phương pháp dạy học âm nhạc khác dựa trên cơ sở của các phương pháp tiêu biểu như Kodály, Carl-Orff, Dalcroze, và Suzuki. Được may mắn có điều kiện học tập và làm việc trực tiếp với đa dạng các công cụ, phương tiện tiếp cận, và phương pháp dạy-học âm nhạc ưu việt này, tôi như được mở mắt và nhận thức nhiều điều mới mẻ về công việc giáo dục âm nhạc cho trẻ em. Tôi mong muốn được giới thiệu một cách chi tiết về từng phương thức dạy-học đó đến quý thầy cô trong cả nước trong những dịp hội thảo hay các sinh hoạt chuyên đề khác của Bộ Giáo dục – Đào tạo và các địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Abeles, H. &. (1995). Nền tảng của giáo dục âm nhạc . Boston, Hoa Kỳ: NXB Schirmer, Cengage Learning.

Loong, C. Y. (n.d.). Music in Special Education. Retrieved September 8, 2011, from Dr. Chet Yeng Loong, Early Childhood Music Specialist: http://cyloong.com/MUS454.html.

Pearson Education, I. (2011). Exploring the Voice and Singing More Accurately. Retrieved October 23, 2012, from Teacher Vision: http://www.teachervision.fen.com/music/resource/6069.html.