DALCROZE – Vận động âm nhạc

ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP DALCROZE TRONG TỔ CHỨC VẬN ĐỘNG ÂM NHẠC CHO TRẺ EM

Thạc sĩ Hồ Ngọc Khải

Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai

         Vận động âm nhạc (Musical movements) đã và đang được áp dụng như một nội dung phổ biến trong chương trình giáo dục âm nhạc ở nhiều nước phát triển và đang phát triển. Trong chương trình môn Âm nhạc hiện hành bậc TH và THCS nước ta, vận động âm nhạc đã được đưa vào bài học âm nhạc qua các vận động theo nhạc dưới hình thức phụ họa cho lời ca khi học sinh học hát. Tuy nhiên, do chỉ được giới hạn trong việc phụ họa bài hát, những vận động này sẽ lập đi lập lại, nghèo nàn; làm cho học sinh dễ chán, giáo viên lúng túng khi giảng dạy, luyện tập cho trẻ. Đặc biệt, đa số các động tác vận động này hầu hết phụ thuộc vào ý của ca từ. Một số bài hát có nội dung gần nhau, thì các động tác sẽ dễ bị mô phỏng làm cho giờ học âm nhạc ít tính khám phá, hạn chế sáng tạo.

         Phương pháp dạy học âm nhạc qua vận động (Eurhythmics) của Emily Jaques-Dacroze – nhà sư phạm âm nhạc Thụy Điển cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 – đã được phổ biến trong nhà trường phổ thông ở nhiều quốc gia. Quan điểm sư phạm âm nhạc của Dalcroze là dạy học tiết tấu và năng lực âm nhạc thông qua vận động hay phản ứng của toàn bộ cơ thể. Vận động âm nhạc một cách tự nhiên như bước, chạy, nhảy, trườn, uốn người .v.v., được sử dụng để phát triển cảm nhận về tiết tấu, âm nhạc, và khả năng tập trung cho trẻ em trong lớp học âm nhạc (Lineburgh, 1994). Ứng tác (Improvisation) và sáng tạo (Creation) âm nhạc cho trẻ em qua vận động được thật sự đề cao trong các hoạt động âm nhạc của Dalcroze. Triết lý và phương pháp sư phạm âm nhạc của Dalcroze thật sự cần thiết để được áp dụng vào chương trình giáo dục âm nhạc ở Việt Nam. Áp dụng này sẽ đa dạng hóa các hoạt động nâng cao năng lực cảm thụ và thể hiện âm nhạc cho trẻ. Hơn thế nữa, vận dụng này sẽ giúp giáo viên tiếp cận với một phương pháp vận động âm nhạc đang thịnh hành trên thế giới. Vì đây là một nội dung hoàn toàn mới với giáo dục âm nhạc Việt Nam, người viết xin trình bày một cách chi tiết các dạng hoạt động vận động âm nhạc cơ bản của phương pháp Dalcroze để các giáo viên âm nhạc tham khảo và ứng dụng vào lớp học của mình một cách hợp lý và khoa học.  

          Các trò chơi và bài tập vận động âm nhạc theo phương pháp Dalcroze được phát triển có tính khoa học và hệ thống từ đơn giản đến phức tạp, từ khám khá vận động bản thân đến khám phá các thành tố về âm nhạc liên kết với vận động của cơ thể. Trong điều kiện non trẻ của giáo dục âm nhạc Việt nam, cũng như sự hạn chế về năng lực chung của đội ngũ giáo viên âm nhạc, có thể bắt đầu từ những bài học-trò chơi vận động ở mức độ đơn giản. Các trò chơi này giúp trẻ khám khá về mối quan hệ giữa thời gian, không gian, và năng lượng trong âm nhạc. Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn giới thiệu một số vận động giúp trẻ khám khá các tiết tấu cơ bản. Sau đó là bốn dạng trò chơi vận động âm nhạc điển hình theo phương pháp sư phạm Dalcroze. Đó là: Phản ứng nhanh với âm nhạc (Quick Reaction), làm theo-mô phỏng (Follow), vận động theo bè đuổi đứt quãng (Interrupted Cannon), và vận động theo bè đuổi liên tục (Continuous Cannon).

1. Khám phá các vận động tại chỗ (Basic Nonlocomotor Movements)

         Đây là dạng vận động cơ thể trong khi chân không di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Dạng vận động này giúp trẻ nhận thức được khả năng vận động của cơ thể, cảm nhận được không gian, các sắc thái khác nhau trong âm nhạc. Những vận động như xoải người, bơi tại chổ, uốn cong người ra trước hoặc sau, xoay người, vỗ tay, nhịp chân, chớp mắt, vươn vai, ném bóng v.v. được coi là những vận động tại chỗ. Sau đây là một số bài tập hay trò chơi vận động tại chỗ.

Lắc lư, đu đưa (Sway): Tập cho các em hình dung và tự sáng tạo ra các vận động như đu đưa cơ thể và hai tay như một cơn gió nhẹ, một cơn bão lớn, như sóng biển dập dìu, như một cơn sóng lớn giữa biển cả, như một cọng lúa, một chiếc lá.

– Quay nhanh (Twirl):  Vận động tay như chiếc chong chóng đang quay, một cái vụ, như một chiếc bông tuyết – một cành hoa rơi từ trên cao xuống, v.v

Uốn cong người (Bend): Uốn người tới trước, uốn người ra sau, khom người xuốn sàn nhà, uốn người theo kiểu robot, v.v.

Duỗi thẳng (Stretch): Duỗi người và hai tay ra trước, sang hai bên, ra đằng sau, như bay lên trời, như xòa xuống đất, như một cọng dây thun, v.v.

– Lắc người (rock): đứng và vung tay như đang bơi, ngồi và chuyển động tay như chèo đò, ngồi trên một chú ngựa gỗ, lắc như một quả chuông rung, v.v.

2. Vận động khám phá các tiết tấu cơ bản

Đi, bước (walk): Vận động bước hoặc đi thể hiện tiết tấu nốt đen trong âm nhạc. Mặc dù có trường độ là nốt đen nhưng vận động sẽ khác nhau nếu trẻ vận dụng năng lượng khác nhau, cũng như hình dung những tâm trạng khác nhau. Trong khi trẻ bước, giáo viên chơi ngẫu hứng trên đàn với tiết tấu nốt đen đều ở hai tay, chú ý sắc thái mạnh nhẹ và tốc độ hợp lý, hoặc gõ trống, hay các loại nhạc cụ không định âm. Theo phương pháp Dalcroze, âm nhạc được sử dụng cho các vận động cơ bản này sử dụng gam Do Pentatonic (Do Re Mi Sol La), dễ nghe và phù hợp với tuổi của trẻ em từ 5 đến 13tuổi. 

– Dạng bài tập – trò chơi vận động:

         + Yêu cầu trẻ tập bước đều theo các kiểu các nhau: bước dài, bước ngắn, bước cao, và bước thấp, bước nặng, bước nhẹ.

         + Yêu cầu trẻ:  tưởng tượng và bước – với cảm giác hạnh phúc, cảm thấy mình mạnh mẻ, cảm thấy mình mệt mỏi, đang với để lấy một vật gì trên cao, đi lui, đi ngang, đi khoằm chân, v.v.

– Chạy (running): Vận động chạy đều hai chân tương đương với tiết tấu móc đơn trong âm nhạc. Tuy nhiên khi chạy nếu hình dung cách vận động khác nhau trẻ sẽ biết điều tiết năng lượng cơ thể khác nhau. Phần âm nhạc thực hiện như đã nêu ở vận động bước trên nhưng thay đổi sang tiết tấu móc đơn.

         + Yêu cầu trẻ: chạy rất nhanh với bước nhỏ, chạy với bước dài, bước nhún nhảy, chạy giữ cứng hai đầu gối, chạy khuỳnh hai chân sang hai bên, chạy nhẹ như gió, chạy chéo chân, chạy theo lối zigzag, v.v.

Nhảy chân sáo (Skip): Vận động nhảy chân sáo ăng-xăm (ensemble) với nhóm tiết tấu móc giật (đơn chấm móc kép) trong âm nhạc. Sau khi trẻ trải nghiệm một thời gian hai dạng vận động bước, và chạy, vận động chuyển động này giúp trẻ phân biệt một cách cảm tính giữa hai dạng tiết tấu đều và không đều nhau (nhóm hai móc đơn; nhóm đơn chấm móc kép.

– Dạng bài tập – trò chơi vận động:

         + Hướng dẫn cách nhảy chân sáo. Yêu cầu học sinh nhảy theo kiểu bước nhỏ và nhanh; ngược lại chậm và bước lớn.

         + Thử nghiệm với cách nhảy lò cò một chân, thay đổi chân khi có hiệu lệnh của giáo viên bằng một âm cao, âm trầm bất thường trên đàn phím, hay một nhạc cụ có âm sắc khác với âm sắc đang đệm cho học sinh vận động.

– Nhảy ngựa (Gallop): Vận động nhảy ngựa giúp học sinh trải nghiệm các nhóm tiết tấu đơn trước hai móc kép sau. Vận động này tương đối phức tạp, hai chân nhảy liên tiếp, trụ ở chân phải phía sau, đẩy chân trái ra phía trước. (Có thể dùng bài Trên ngựa ta phi nhanh, Ngựa phi đường xa – Phạm Đình Chương để làm nhạc nền khi các em đã di chuyển thành thạo). Ở giai đoạn luyện tập nên chỉ dùng trống gỗ để dễ điều chỉnh tempo.

– Dạng bài tập – trò chơi vận động

         + Cho học sinh vận động như phi ngựa khi tưởng tượng: ngồi trên một chú ngựa rất to (bước chậm, mạnh ); ngồi trên một chú ngựa nhỏ (bước nhanh, nhưng nhỏ); ngồi trên một chú ngựa của một quý bà (chậm, bước nhảy thật tĩnh lặng); ngồi trên một chú ngựa chiến ra chiến trường (nhanh, ầm ĩ); hay ngồi trên một con ngựa què (bước to nhỏ không đều, khập khiễng), v.v.

3. Một số trò chơi tương tác vận động Dalcroze đơn giản dùng cho học sinh bậc tiểu học

         Các dạng bài tập và trò chơi âm nhạc theo phương pháp Dalcroze đã được hệ thống phù hợp đến từng lứa tuổi, bậc học của học sinh từ cấp tiểu học, trở lên cho đến các lớp âm nhạc dành cho người lớn. Đối với trẻ bậc tiểu học, những bài tập vận động thường được thiết kế dưới dạng các trò chơi tập thể. Đặc biệt, các trò chơi chú trọng vào khả năng phản ứng qua vận động của trẻ dưới những tác nhân âm thanh và âm nhạc. Thường phần làm quen và khám phá các vận động không chuyển động (nonlocomotor) và chuyển động (locomotor) được bố trí vào lớp 1 và lớp 2. Đối với chương trình các lớp 3, 4, và 5 của bậc tiểu học, các trò chơi vận động cao hơn về độ khó và kết hợp đa dạng các vận động. Để nghiên cứu toàn bộ các bài tập của Dalcroze, cần phải có thời gian và năng lực chuyên môn nhất định. Tuy nhiên, để áp dụng ngay cho học sinh các lớp tiểu học, giáo viên âm nhạc nếu được hướng dẫn bài bản có thể vận dụng ngay cho học sinh trên lớp của mình. Sau đây là một số trò chơi vận động tương tác phù hợp với trẻ từ 6 đến 11 tuổi mà người viết đã được trải nghiệm thực hành và dạy học tại Hoa Kỳ, bao gồm các trò chơi Phản ứng nhanh (quick reaction), Mô phỏng và làm theo (Follow), Bè đuổi không liên tục (interrupted Canon), và Bè đuổi liên tục (Continuous Canon).

3.1. Trò chơi phản ứng nhanh (quick reaction games)

         Trò chơi phản ứng tổng hợp (mutiple response quick reaction): Những trò chơi này tập trung giúp trẻ tạo được những phản ứng nhanh với một nhóm tác nhân âm thanh hay âm nhạc.

         – Trò chơi thứ nhất:

         Giáo viên chơi âm nhạc cho các dạng vận động bước, chạy, bước sải, nhảy chân sáo, nhảy ngựa (như đã đề cập ở mục 1.2.2). Học sinh nghe thay đổi vận động ngay khi có sự thay đổi về âm nhạc. Giáo viên có thể đưa ra một tín hiệu âm thanh quy định việc đổi hướng, dừng vận động, hoặc tiếp tục di chuyển; ví dụ: một chùm bốn móc kép mi-re-do-re ở quãng tám thứ 2 cho đổi hướng hoặc xoay người, một âm trầm bất thường cho tạm dừng, và một âm cao hay một tiếng gõ trên thùng đàn để báo hiệu tiếp tục di chuyển.          

         – Trò chơi thứ hai:

         Giáo viên chia học sinh đứng theo hàng, mỗi hàng 4-6 em. Các học sinh đứng đầu hàng dẫn hàng của mình đi chung quanh lớp học, mỗi hàng làm theo một động tác tay dựa theo âm nhạc do giáo viên đàn. Khi nhạc dừng,các em dừng lại, em cuối cùng liền chuyển lên vị trí đầu hàng. Khi nhạc bắt đầu trở lại, em đầu hàng mới sẽ làm một động tác mới để cả hàng theo và tiếp tục di chuyển.

         – Trò chơi thứ ba: Học sinh di chuyển trong phòng học khác với âm nhạc được chơi. Ví dụ, nếu nhạc chơi đều theo nhịp bước (tiết tấu nốt đen liên tục, thì các em chạy hoặc nhảy ngựa). Khi âm nhạc đổi, các em cùng đổi cách di chuyển nhưng không được đúng với âm nhạc.

         – Trò chơi thứ tư: Học sinh lắng nghe âm nhạc được chơi bởi giáo viên. Học sinh chỉ di chuyển khi âm nhạc dừng, theo tiết tấu mà các em đã nghe. Ngược lại khi âm nhạc chơi thì các em sẽ dừng và lắng nghe, nhận dạng hình thức vận động mà các em sẽ thực hiện khi nhạc dừng ở lần tiếp theo.

3.2. Phản ứng nhanh theo tín hiệu (Signals quick reaction)

         Dạng trò chơi này nhằm phát triển năng lực phản ứng với những tín hiệu đặc biệt từ giáo viên.

         – Trò chơi thứ nhất: Giáo viên chơi nhạc theo nhịp bước (tiết tấu nốt đen đều nhau), thỉnh thoảng chêm vào tiết tấu theo nhịp nhảy chân sáo (tiết tấu móc giật). Học sinh bước đều theo nhạc, ngay lập tức chuyển sang động tác nhảy chân sáo khi nghe chuyển nhạc. (Âm nhạc có thể được chơi trên đàn piano, đàn phím điện tử, trống, hay thanh phách gỗ…)

         – Trò chơi thứ hai: Giáo viên chơi âm nhạc theo nhịp bước. Khi nghe một tín hiệu lạ từ giáo viên (vd: một chùm ba, một chùm bốn móc kép), học sinh dừng lại đổi hướng. Ở một tín hiệu khác, do giáo viên quy định (vd: một âm trầm hay một âm cao bất thường, hay một âm sắc đặc trưng khác), học sinh tiếp tục di chuyển. Nếu dùng các nhạc cụ gõ không định âm, giáo viên cần chọn các nhạc cụ có âm sắc thật khác nhau để học sinh dễ nhận dạng như mõ, trống, phèn la, hay chuông.

3.3. Phản ứng nhanh thế chỗ (replacement quick reaction)

         Trong trò chơi này, học sinh thay động tác khi có hiệu lịnh của giáo viên.

         – Trò chơi thứ nhất: Giáo viên đánh nhạc đều theo nhịp bước, ở loại nhịp 4/4. Khi bắt đầu đánh giáo viên hô một con số. Con số đó là vị trí phách của một dấu lặng đen. Ở dấu lặng này học sinh dừng và để hai tay lên vai. Rồi lại chuyển động đều theo nhạc. Khi giáo viên hô một con số khác trong bốn con số 1, 2, 3, 4, học sinh sẽ nghỉ và để tay trên vào vào phách đó trong khi bước đều theo nhịp 4. 

         – Trò chơi thứ hai: Học sinh bước đều theo nhịp đi (tiết tấu nốt đen, loại nhịp 4/4). Khi thầy giáo đưa ra một con số thì ở phách mang số đó học sinh tự động chia đôi bước đi thành bước chạy (hai móc đơn). Ví dụ, khi thầy giáo gọi số 1, thì tiết tấu học sinh cần chuyển động là đơn đơn, đen, đen, đen; nếu gọi số hai, thì học trò sẽ di chuyển  theo tiết tấu, đen, đơn đơn, đen, đen.

         – Trò chơi thứ ba: Giáo viên đánh đàn ở nhịp bước đều. Khi giáo viên hô số 2, học sinh chia phách 2 thành hai phần bằng nhau và bước theo (hai nốt móc đơn). Khi giáo viên hô số 3, học sinh lại tiếp tục chia phách 3 thành 3 phần bằng nhau (chùm ba) và đổi bước. Khi giáo viên hô số 4 thì các em lại chia phách số 4 thành 4 phần bằng nhau (bốn móc kép) và chuyển động theo. Đây là một trò chơi khó, để các em hiểu rõ trò chơi, giáo viên có thể cho học sinh đứng yên và tập vỗ tay trước theo hình thức trò chơi nhiều lần trước khi cho các em vận động.

         Ngoài ra, dạng trò chơi phản ứng nhanh (quick reaction) còn có thể được ứng dụng riêng rẽ hoặc kết hợp với các khái niệm âm nhạc khác ngoài tiết tấu và giai điệu, như là nhịp độ (tempo), cường độ (dynamics), nhấn âm (articulation), v.v.

         Chú ý: Dạng trò chơi này đòi hỏi kỹ năng nghe, phân biệt tiết tấu, và phản ứng vận động có mức độ khó cao hơn. Nên bố trí các dạng trò chơi này cho học sinh lớp bốn trở lên.

4. Trò chơi mô phỏng và làm theo (Follow)

         Dạng trò chơi này nhằm đến khả năng phản ứng với những thay đổi liên tiếp của âm nhạc.

         – Trò chơi thứ nhất:

         Giáo viên đàn hoặc hát một bài đồng dao nào đó có sự thay đổi nhịp độ nhanh hơn và chậm hơn. Học sinh di chuyển và vận động theo sự thay đổi nhịp độ của phần âm nhạc.

         – Trò chơi thứ hai:

         Giáo viên đàn, gõ trống, hay hát một bài hát, một bài đồng dao có sự dần hay bất thường về cường độ, sắc thái. Học sinh di chuyển làm động tác theo sự thay đổi cường độ đó. 

         Có thể dùng nhạc: Surprise Symphony – Giao hưởng Ngạc nhiên của Haydn, hay Chương Mùa Xuân – Giao hưởng Bốn Mùa của Vivaldi.

         – Trò chơi thứ ba:

         Giáo viên chọn một bức tranh về tự nhiên, trong đó có sự biểu hiện những cảm xúc đặc biệt hay có sự tương phản. Học sinh được chia theo nhóm 5-10 em, tự nhận xét bức tranh hoặc có sự trợ giúp gợi ý của giáo viên, để đưa ra những động tác mô tả hình ảnh mà các em hình dung ra từ bức tranh. Giáo viên chơi một đoạn nhạc ngẫu hứng hoặc đã chuẩn bị để hỗ trợ và dẫn dắt động tác và sự di chuyển của học sinh. (Thường những bức tranh nên chọn là cảnh sóng biển vỗ vài bờ và lùi ngược lại. Khi học sinh làm động tác sóng vỗ vào bờ, âm nhạc trở nên mạnh mẽ, to hơn. Ngược lại, khi sóng lùi xa bờ âm nhạc trở nên nhẹ nhàng, nhỏ hơn.)

         -Trò chơi thứ tư:

         Tạo một âm hình tiết tấu dài bốn phách, chơi lập đi lập lại với sự thay đổi về cường độ, tốc độ, âm sắc, tầm cử. Giáo viên nên ứng tác và chơi trên piano để có thể tạo được nhiều hiệu ứng thay đổi âm nhạc như đã nêu. Nếu chơi bằng trống chỉ nên tập trung tạo sự khác biệt về âm lượng và tốc độ. Học sinh bước theo âm hình tiết tấu tự sáng tạo ra những động tác của cơ thể như tay, chân, đầu… dựa vào sự biến đổi của âm nhạc mà thay đổi động tác dựa trên các tiêu chí về thời gian, không gian, và năng lượng.

         Thường các dạng trò chơi “follow” này thường được dùng để dạy cho học sinh nhỏ tuổi các khái niệm như tempo (nhịp độ), âm lượng (dynamics), trọng âm (accent), sự phân câu nhạc (phrasing), v.v.

5. Vận động dạng bè đuổi ngắt quãng (Interrupted Canon)

         Học sinh vận động, di chuyển theo những mẫu tiết tấu sau khi nghe biểu diễn bởi thầy cô giáo.

         Các mẫu tiết tấu được chơi có độ dài bốn phách. Giáo viên có thể đánh trên đàn piano, đàn phím điện tử, hoặc dùng các nhạc cụ gõ không định âm như thanh phách, trống con, mõ, timberland, v.v.

         Dạng trò chơi bè đuổi ngắt quãng thật sự là hình thức canon trong âm nhạc, thường dùng để dạy các mẫu tiết tấu cơ bản, để nghe ghi nhạc, để rèn luyện khả năng tập trung, và trí nhớ âm nhạc.

6. Vận động dạng bè đuổi liên tục (Continuous Canon)

         Dạng vận động này tương đối phức tạp và đòi hỏi sự chú ý cao độ của học sinh. Thường các trò chơi theo bè đuổi được sử dụng để dạy cho học sinh các mẫu tiết tấu, nhóm tiết tấu, để nghe ghi, nghe cảm nhận, cũng như giúp các em rèn luyện sự tập trung, và rèn luyện trí nhớ âm nhạc.

         Học sinh bước theo các mẫu tiết tấu, hoặc thực hiện các động tác của cơ thể theo dạng canon liên tục.

         Ví dụ: Giáo viên đàn hay đánh trống, các nhạc cụ gõ những tiết nhạc ngắn có độ dài bốn phách liên tục. Học sinh ngay lập tức bước hoặc thực hiện động tác ngay sau khi tiết nhạc thứ nhất kết thúc trong khi phải chú ý nghe tiết nhạc tiếp theo.

7. Điều kiện cần thiết để áp dụng các nội dung sư phạm âm nhạc đã đề xuất

         Bất cứ một quá trình sư phạm nào cũng cần hai yếu tố nhân lực và cơ sở vật chất. Yếu tố nhân lực chủ chốt ở đây là giáo viên âm nhạc. Hầu hết ở các trường phổ thông hiện nay đều có giáo viên âm nhạc với các trình độ Đại học, Cao đẳng, và Trung cấp Sư phạm Âm nhạc. Xét về mặt bằng trình độ có thể đảm bảo việc triển khai các nội dung mới này, nếu về phía Bộ và ngành Giáo dục – Đào tạo các tỉnh, thành có một chiến lược tốt trong việc tập huấn bổ sung về nội dung và phương pháp mới. Nguồn thứ hai là từ các cơ sở đang đào tạo sư phạm. Cần có chiến lược và kế hoạch để các giảng viên dạy phương pháp sư phạm âm nhạc nghiên cứu và thực hành các phương pháp mới, cũng như các phương pháp đang thịnh hành trên thế giới hiện nay. Thực tế cho thấy, ở các cơ sở đào tạo này, môn phương pháp dạy học âm nhạc vẫn còn là “bổn cũ soạn lại”. Kể cả các chương trình đào tạo Thạc sĩ Sư phạm Âm nhạc mới đây ở một số cơ sở cấp quốc gia. Các phương pháp như Kodály, Dalcroze, Orff-Schuwerk, Suzuki, Gordon, và Montessori vẫn chưa được nghiên cứu và phổ biến cho sinh viên. Điều đó chứng tỏ việc tiếp cận và ứng dụng quốc tế của bộ môn chúng ta cực kỳ hạn chế. Để khắc phục hạn chế này thật sự không khó. Điều quan trọng là các cơ sở đào tạo này có thật sự hiểu và muốn đầu tư hay không mà thôi. Nếu đầu tư tốt, thì chỉ vài năm chúng ta có thể cập nhật  những ứng dụng tiên tiến của thế giới và vận dụng những kiến thức và kỹ năng cơ bản vào thực tế giảng dạy âm nhạc của đất nước qua con đường đào tạo lại hoặc các workshop chuyên đề.

         Hạn chế thứ hai chúng ta cần phải khắc phục đó là không gian dạy học âm nhạc ở các trường phổ thông. Nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở đã có phòng học âm nhạc, nhưng chủ yếu vẫn theo mô hình phòng học truyền thống, không gian hẹp trong đó có thêm vài chục chiếc đàn phím điện tử. Thực tế phòng học âm nhạc chúng ta đang thiếu không gian vận động để trẻ chơi và chạy nhảy. Để khắc phục hạn chế này, các nhà trường cần sắp xếp lại bàn ghế, sử dụng bàn ghế xếp thay vì bàn ghế cố định. Bên cạnh đó, có thể tận dụng các phòng tập thể dục, nhà đa chức năng, hay không gian mở là sân trường để tổ chức cho học sinh chơi và vận động. Việc thiết kế chương trình mới cũng nên căn cứ vào khó khăn này. Chúng ta nên cởi trói cho giáo viên bằng cách để họ tự sắp xếp các nội dung cho các tiết dạy sao cho phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của trường. Miễn sao là họ bảo đảm được các mục tiêu, và nội dung dạy học theo chương trình khung cho từng tháng, từng học kỳ là được. Không nên bó buộc một cách cứng nhắc như chương trình hiện nay. Chắc chắn chúng ta sẽ dần dần tháo gỡ từng khó khăn một và tạo nên những không gian học tập âm nhạc đặc trưng và đa dạng về vận động cho trẻ ở từng ngôi trường một.

         Tóm lại, sau gần một thế kỷ từ khi được phát kiến, phương pháp Dalcroze đã phát triển và được các nhà sư phạm âm nhạc áp dụng vào chương trình dạy học âm nhạc cho trẻ em và cả người lớn trên nhiều quốc gia. Các trò chơi và bài tập vận động theo phương pháp này đã tạo nên một môi trường học tập âm nhạc năng động cho trẻ em. Bởi sự hòa nhập vào các hoạt động và tương tác với những thành viên khác trong lớp, trong nhóm học, học sinh không những được tạo điều kiện để phát triển các năng lực âm nhạc, như nghe, hiểu, mô phỏng, phân biệt các dạng tiết tấu và giai điệu, cũng như các nhân tố âm nhạc khác nhau. Ngoài ra các em có điều kiện để sáng tạo, ứng tác âm nhạc – một trong những tiêu chí tích cực trong quá trình hoạt động âm nhạc. Hơn thế nữa, qua các trò chơi, các em học được tính tập thể, biết tương tác với đời sống tự nhiên, cũng như tăng cường các nhận thức lý tính và   tình cảm, sự liên kết giữa đời sống tình cảm con người và âm nhạc. Thực sự, việc áp dụng phương pháp vận động Dalcroze sẽ tạo nên một nguồn sinh khí mới cho lớp học âm nhạc ở các trường phổ thông nói chung và bậc tiểu học nói riêng.

         Tiến trình đổi mới chương trình giáo dục đất nước sau năm 2015 đòi hỏi sự thay đổi một cách thực sự về chất lượng dạy và học trên cơ sở phát triển năng lực của học sinh. Tăng cường năng lực nhận thức, năng lực hoạt động, năng lực ứng dụng, và năng lực sáng tạo của người học phải được xây dựng trên cơ sở trải nghiệm một cách toàn diện trong suốt quá trình học tập tại trường học. Cũng vậy, đối với môn học âm nhạc việc đề cao phát triển năng lực cảm thụ, thực hành, và sáng tạo âm nhạc cho học sinh cần khởi đầu từ việc tạo nên một môi trường học tập sao cho các em có điều kiện tham gia, sinh hoạt, hòa trộn vào âm thanh, âm nhạc qua chơi đùa, ca hát, và vận động một cách thực sự. Muốn vậy, điều kiện cần đầu tiên là phải tăng cường các nội dung học tập mang tính tích cực và đa dạng hóa các hình thức dạy – học âm nhạc. Bên cạnh đó, phát triển một nền giáo dục hiện đại tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc vẫn luôn là kim chỉ nam để những nhà khoa học sư phạm, các chuyên gia thiết kế chương trình giáo dục quốc gia cần quan tâm. Dựa trên những tiêu chí này, việc tăng cường đồng dao, trò chơi dân gian thiếu nhi, và vận động âm nhạc theo phương pháp Dalcroze đáp ứng nhu cầu đổi mới của giáo dục âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn mới. Để trẻ em Việt Nam học âm nhạc như “được học” chứ không phải “bị học.”

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Andress, B. (1999). Music Experiences in Early Childhood. Hinsdale -IL: CBS Inc.

Gardner, H. (1983). Frames of Mind: The theory of multiple intelligences. New York: Basic Books.

Shamrock, M. (2010). The Orff Schulwerk approach. Retrieved from The Allian for Active Music Making: http://www.allianceamm.org/resources_elem_Orff.html

Lineburgh, N. (1994). Dalcroze techniques in the Kodaly classroom. The University of Akron.

Trần Văn Khê (2004, tháng 5). Thể nghiệm giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường tiểu học: Học mà chơi, chơi mà học. Trích từ Vietbao.com: http://vietbao.vn/Giao-duc/The-nghiem-giao-duc-am-nhac-dan-toc-trong-truong-tieu-hoc-Hoc-ma-choi-choi-ma-hoc/45124842/202/