ỨNG DỤNG THANG BLOOM TRONG XÂY DỰNG
CHUẨN NĂNG LỰC VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CỦA NGƯỜI HỌC
Thạc sĩ Hồ Ngọc Khải
Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai
Chương trình giáo dục của một quốc gia được coi là có tính hệ thống, khoa học, và cập nhật tiến bộ của nhân loại khi xây dựng được hệ thống các chuẩn năng lực đầu ra cho người học ở từng bậc học, cấp học, đến từng lớp học.Việc đánh giá kết quả học tập của người học chính là đánh giá được sự hoàn thành những mục tiêu học tập mà chương trình học từng môn học đề ra. Đó cũng chính là mức độ thành công cũng như tiến bộ của người học trong suốt quá trình dạy và học. Hơn thế nữa, các “chuẩn năng lực” được xem như “kim chỉ nam” dẫn đường cho quá trình sư phạm của người thầy. Đánh giá kết quả học tập của người học cũng chính là đánh giá tính hiệu quả của người thầy qua việc truyền thụ, gợi ý, tương tác để học sinh tiếp nhận kiến thức, kỹ năng, và các giá trị nhận thức xuyên suốt quá trình dạy-học trong nhà trường.
Nhiều năm trước đây, việc đánh giá theo lối truyền thống chủ yếu dựa vào các bài kiểm tra hay bài thi (test based curriculum). Lối đánh giá này chỉ đánh giá được mức độ lĩnh hội kiến thức của người học. Tuy nhiên, xu thế phát triển mới của nền giáo dục hiện đại, lĩnh hội kiến thức không chưa đủ mà người học thông qua quá trình sư phạm phải biết vận dụng kiến thức đã học hữu hiệu và sáng tạo vào trong chính cuộc sống hàng ngày, trong quá trình giải quyết vấn đề, đối mặt với các khó khăn hay trong môi trường sống và làm việc tương lai.
Chính vì thế, các chuẩn năng lực và chiến lược đánh giá cần phải được thiết kế, xây dựng trên một hệ thống thang bậc khoa học được giới chuyên gia thế giới công nhận và ứng dụng sao cho có thể phản ảnh được việc đạt đến các mục tiêu của chương trình dạy học từ phía người học qua quá trình sư phạm của thầy.
Bài viết này tác giả xin đề cập một số yếu tố kỹ thuật để các nhà sư phạm và khoa học giáo dục có thể sử dụng tham khảo khi xây dựng các chuẩn kết quả năng lực và đánh giá học tập của người học ở các bậc học khi xây dựng chương trình đào tạo, học tập ở các bậc học, cấp học, đối tượng học khi Chương trình Giáo dục Phổ thông mới sau năm 2015 được đưa vào áp dụng trên phạm vi cả nước.
1. Chuẩn kết quả học tập của học sinh là gì?
Khái niệm chuẩn kết quả học tập của người học (student learning outcomes) mô tả cách mà người học có thể chứng minh khả năng đạt đến các mục tiêu học tập đã được đề ra từ chương trình giáo dục (Allen. M., 2008). Trong đó thể hiện kiến thức, kỹ năng, và cả thái độ học tập, nhờ đó mà người học có thể chứng minh, tiêu biểu hóa hay vận dụng một cách thành công vào thực tiễn sau khi hoàn thành một chương trình học.
2. Mục đích việc xây dựng các chuẩn kết quả học tập.
Từ một chương trình học cụ thể, khi các chuẩn kết quả học tập được xây dựng và được thông báo cho người học, những tác động tích cực đầu tiên sẽ hướng tới chính họ:
– Giúp người học học tập một cách hiệu quả hơn.
– Giúp người học hiểu rõ các kỳ vọng mà chương trình học tập muốn họ cần đạt đến, từ đó người học có thái độ học tập đúng đắn và biết tự quản lý việc học của mình.
Đối với các nhà hoạch định chương trình giáo dục, các trường sư phạm: chuẩn kết quả học tập sẽ là kim chỉ nam để xây dựng, chương trình giáo dục tổng thể, chương trình các môn học cũng như các hoạt động trong và ngoài nhà trường.
3. Những câu hỏi cần đặt ra khi xây dựng các chuản kết quả học tập:
– Những kiến thức, kỹ năng, năng lực, và giá trị nào mà môn học hướng tới trang bị cho người học?
– Làm thế nào mà người học có thể đạt được các năng lực này?
– Chương trình đề ra với các chuẩn kết quả này có chuẩn bị tốt cho người học trong việc tiếp tục học tập ở các bậc cao hơn, cho nghề nghiệp tương lai, hay việc học tập suốt đời không? Có hướng tới phát triển cho người học vốn kiến thức, kỹ năng, năng lực, cũng như các giá trị sống thông qua chương trình học tập.
4. Ứng dụng Thang bậc nhận thức của Bloom (Bloom Taxonomy) khi xây dựng các chuẩn kết quả học tập của học sinh.
Hiện nay trên thế giới, nhiều hệ thống thang bậc về quá trình nhận thức của người học qua các quá trình sư phạm đã và đang được sử dụng trong nhà trường phổ thông và đại học. Tuy nhiên, hệ thống Thang Năng Lực của Bloom được nhiều quốc gia sử dụng bởi tính khoa học cũng độ tin cậy của nó. Từ các tiêu chí về nhận thức của hệ thống này, các nhà sư phạm có thể tự xây dựng các chuẩn năng lực đầu ra và tiêu chí đánh giá năng lực của người học qua môn học mình phụ trách. Thang Năng Lực Dựa Vào Phạm Trù Nhận Thức được Giáo sư Benjamin Bloom, một nhà khoa học giáo dục người Mỹ phát triển và công bố năm 1956. Thang này có 6 mức độ được sắp xếp từ thấp đến cao của quá trình nhận thức của người học. Có thể tóm lược như sau:
Mức độ (Level) | Hành vi của nhận thức (Cognitive behaviors) |
1. Kiến thức (Knowledge) | Biết, hiểu cơ sở lập luận, thuật ngữ, khái niệm, nguyên tắc, hoặc lý thuyết |
2. Lĩnh hội (Comprehension) | Hiểu, giải thích, so sánh và đối chiếu, làm sáng tỏ |
3. Ứng dụng (Application) | Ứng dụng kiến thức vào tình huống mới, để giải quyết vấn đề |
4. Phân tích (Analysis) | Xác định được hình thái cấu trúc của sự vật, xác định các bộ phận, mối quan hệ, nguyên tắc tổ chức |
5. Tổng hợp (Synthesis) | Tạo ra một vật, tổng hợp các ý tưởng nhằm đưa ra một giải pháp, đề xuất một kế hoạch hoạt động, thành lập một hệ thống phân loại mới… |
6. Đánh giá (Valuation) | đánh giá về chất lượng của sự vật dựa trên giá trị, điều kiện cần và đủ, logic, hoặc công dụng |
Dựa trên các cấp độ về quá trình nhận thức mà Bloom đưa ra, quá trình sư phạm hình không chỉ dừng lại việc cung cấp kiến thức, mà người học cần phải được tăng cường trải nghiệm, thực hành, để từ đó kiến thức sẽ được người học ứng dụng một cách sáng tạo và phù hợp với điều kiện thực tế của môi trường sống cụ thể nào đó.
5. Cách sử dụng động từ để chỉ các năng lực mà người học có thể thực hiện từ các chuẩn kết quả học tập đạt được.
Thường khi nói đến “khả năng có thể” để làm một việc gì đó trong thực tế sau một quá trình học tập, người ta hay dùng các động từ có tính nhấn mạnh về hành động. Các động từ nêu bật tính chủ động của chủ thể trong việc thực hiện hành động, thì mạnh hơn các động từ bị động. Người ta thường tránh dùng các động từ như “hiểu”, “biết” vì những động từ này không chỉ ra giới hạn về năng lực của chủ thể. Bên cạnh đó, các động từ mô tả hành động cần cụ thể và rõ nghĩa để người học có thể hiểu rõ nhiệm vụ mình cần thực hiện qua các bài tập thực hành, các bài kiểm tra năng lực.
Sau đây là một số động từ thường sử dụng cho từng bậc của quá trình nhân thức đã được đề cập theo thang Bloom nêu trên (được dịch từ tiếng Anh dựa theo cuốn How to write and use instructional objectives của Norman Gronlund, 1991). Tác giả chọn dịch một số động từ phù hợp với tiếng Việt thông dụng.
* Kiến thức (Knowledge): Trích dẫn (cite), định nghĩa (define), mô tả (describe), xác định (identify), chỉ ra (indicate), liệt kê (list), làm cho hợp (match), ghi nhớ (memorize), gọi tên (name), phác thảo (outline), nhắc lại (recall), nhận ra (recognize), ghi lại (record), liên hệ (relate), lặp lại (repeat), tái tạo (reproduce), chọn lựa (select), gạch dưới (underline)…
* Lĩnh hội (Comprehension): sắp xếp (arrange), phân loại (classify), biến đổi (convert), mô tả (describe), bảo vệ ý kiến (defend), bàn luận (discuss), phân biệt (distinguish), ước lượng (estimate), giải thích (explain), extend (mở rộng), tổng quát hóa (generalize), cho ví dụ (give examples), suy luận (infer), xác định vị trí (locate), phác thảo (outline), dự đoán (predict), tường thuật (report), lập luận lại (restate), xem lại (review), đề nghị (suggest), tóm lại (summarize), dịch (translate)…
* Ứng dụng (Application): ứng dụng (apply), thay đổi (change), tính toán (compute), vẻ-dựng (construct), chứng minh (demonstrate), khám phá (discover), sử dụng (employ), minh họa (illustrate), giải thích làm sáng tỏ (interprete), điều tra (investigate), thao tác (manipulate), sửa đổi (modify), thao tác (operate), tổ chức (organize), thực hành (practice), dự đoán (predict), chuẩn bị (prepare), chế tạo (produce), lên thời gian biểu (schedule), phác họa (sketch), giải quyết (solve), sử dụng (use)…
* Phân tích (Analysis): phân tích (analyze), chia ra (break down), tính toán (calculate), phân loại (categorize), so sánh (compare), đối chiếu (contrast), phê bình (criticize), tranh luận (debate), xác định (determine), phân biệt (differentiate), phân biệt (distinguish), xem xét (examine), thí nghiệm (experiment), xác định (identify), minh họa (illustrate), xem xét (inspect), phác thảo (outline), đặt câu hỏi (question), liên hệ (relate), chọn (select), thử (test)…
* Tổng hợp (Synthesis): sắp xếp (arrange), thu thập (assemble), phân loại (categorize), sưu tầm (collect), kết hợp (combine), biên soạn (compile), sáng tác (compose), xây dựng (construct), tạo nên (create), thiết kế (design), giải thích (explain), làm thành công thức (formulate), tạo ra (generate), tìm được cách (manage), sửa đổi (modify), tổ chức (organize), biểu diễn (perform), lên kế hoạch (plan), đề xuất (propose), sắp xếp lại (rearrange), relate (liên hệ), tổ chức lại (reorganize), xét lại (revise)…
* Đánh giá (Evaluation): đánh giá (appraise), đánh giá (assess), chọn lựa (choose), so sánh (compare), kết luận (conclude), đối chiếu (contrast), phê bình (criticize), quyết định (decide), phân biệt (discriminate), ước tính (estimate), đánh giá (evaluate), sắp xếp (grade), xét thấy (judge), biện hộ (justify), giải thích (interpret), đo lường (measure), xếp hạng (rate), liên hệ (relate), ghi điểm (score), chọn lựa (select), tổng kết (summarize), ủng hộ (support)…
Nhìn chung các động từ được giới thiệu trên có nhiều từ giống nhau nhưng được xếp vào các bước nhận thức khác nhau. Điều đó có nghĩa tuy dùng cùng một từ nhưng đặt trong mỗi bối cảnh nhận thức, động từ này đề ra những yêu cầu hoạt động cụ thể nhất định với học sinh trong một nhiệm vụ riêng biệt.
Do sự phát triển về ngôn ngữ khoa học của tiếng Anh, nhiều từ khi dịch sang tiếng Việt lại có đồng âm, nhưng trong bối cảnh sử dụng thì hoàn toàn khác nhau về mặt ngữ nghĩa. Ví dụ như phân biệt (distinguish, discriminate), v.v
6. Cách viết một chuẩn kết quả học tập.
Một chuẩn kết quả học tập được viết bằng ba phần:
– bắt đầu bằng một động từ xác định hoạt động người học cần thực hiện
– một mệnh đề có nội dung về kiến thức
– điều kiện của hoạt động cần được thực hiện
Ví dụ:
– Học sinh có thể phân tích các nhân tố về tính toàn cầu và môi trường trong ảnh hưởng đến đời sống con người.
– Học sinh có thể hát một bài hát thiếu nhi diễn tả niềm vui khi tới trường.
– Học sinh có thể vẽ cảnh sinh hoạt ở sân trường giờ ra chơi v.v.
– Học sinh có thể mô tả trận đánh của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng.
7. Ứng dụng thang Bloom trong kiểm tra đánh giá năng lực của người học.
Từ các cấp độ của nhận thức, nhà sư phạm có thể vận dụng vào việc ra các hệ thống câu hỏi, bài tập, cũng như các sản phẩm nhóm và cá nhân để kiểm tra năng lực mà người học đã đạt được, đã tiến bộ qua quá trình học tập cụ thể. Đánh giá năng lực người học chính là việc tái hiện lại các chuẩn năng lực trên từng cá nhân người học. Bên cạnh đó cũng đánh giá lại mức độ khoa học và hợp lý của các chuẩn năng lực và mục tiêu học tập mà môn học đã đưa ra từ các đề cương môn học (syllabus).
Nếu dựa theo thang Bloom thì bài kiểm tra phải được thiết kế theo các cấp độ nhận thức từ Kiến thức, Lĩnh hội, Ứng dụng, Phân tích, Tổng hợp, và Đánh giá. Như vậy, hệ thống câu hỏi và nhiệm vụ phải được nhà sư phạm xây dựng một cách chặt chẻ trên các bậc nhận thức. Ví dụ: để kiểm tra học sinh lớp 6 về loại nhịp 2/4 môn học Âm nhạc.
- Câu hỏi cấp độ Kiến thức (1) có thể là: Nhịp 2/4 có mấy phách, phách nào mạnh, phách nào nhẹ? (Định nghĩa).
- Câu hỏi cấp độ Lĩnh hôi (2) có thể là: Số 2 và số 4 ở nhịp 2/4 chỉ ra điều gì? (Hiểu và biết giải thích).
- Câu hỏi cấp độ Ứng dụng (3) có thể là: Em hãy dùng thanh phách để gõ nhịp 2/4 và hát bài “Hành khúc tới trường”? (Ứng dụng vào tình huống âm nhạc cụ thể).
- Ở cấp độ Phân tích (4), câu hỏi có thể là: Cũng được hát ở nhịp 2/4, nhưng cách hát của hai bài “Lí cây bông” và “Lí ngựa ô” khác nhau như thế nào? (Phân tích, so sánh, đối chiếu).
- Cấp độ (5) Tổng hợp, đòi hỏi học sinh phải có một sản phẩm âm nhạc, ví dụ như: em hãy dùng hình nốt trắng, nốt đen, nốt móc đơn để viết nên một mẫu tiết tấu gồm 4 ô nhịp 2/4 và dùng thanh phách để gõ mẫu tiết tấu đó cho cả lớp nghe (Tổng hợp, đề xuất, kết hợp giữa lí thuyết và kỹ năng)
- Cấp độ (6) Đánh giá, sáng tạo ,câu hỏi có thể là: Câu ca dao “Con cò, bay lả. bay la. Bay từ cửa Phủ bay ra cánh đồng” có thể đọc theo nhịp 2/4 không? Nếu được em sẽ đọc và gõ phách như thế nào? (Vận dụng, tổng hợp hiểu biết. kỹ năng, sáng tạo…)
Từ ví dụ trên cho thấy, khi kiểm tra và đánh giá dựa trên năng lực người học không chỉ là các câu hỏi mang tính lý thuyết, mà đòi hỏi về cả năng lực vận dụng lý thuyết vào thực hành. Ở các cấp độ 5 và 6 học sinh cần phải tạo ra sản phẩm cá nhân từ những kiến thức, kinh nghiệm, thực hành và cả năng lực sáng tạo. Vậy, chính thang Bloom là phương tiện hữu hiệu nhất để giúp các nhà sư phạm xây dựng các thang đánh giá người học một cách logic. Việc xây dựng các chuẩn đánh giá theo năng lực là một công việc khoa học phức tạp cần phải được nhà sư phạm, nhóm nhà sư phạm và các chuyên gia nghiêm túc nghiên cứu và thực hiện thì quá trình sư phạm mới thật sự có chiều sâu.
Tóm lại, trên đây là một số yếu tố có tính kỹ thuật khi xây dựng các chuẩn kết quả đầu ra và đánh giá quá trình học tập của người học dựa trên phát triển năng lực mà tác giả muốn giới thiệu đến các đồng nghiệp. Việc xây dựng các chuẩn năng lực là việc làm hàng đầu của các nhà khoa học, các chuyên gia, và các nhà sư phạm. Từ các chuẩn năng lực chúng ta có thể xây dựng mục tiêu giáo dục, thiết kế được chương trình giáo dục tổng thể, chương trình cấp học, môn học. Thang Năng Lực Dựa Vào Phạm Trù Nhận Thức (Mayor Categories of Bloom’s Taxonomy of the Cognitive Domain) của Benjamin Bloom cho đến nay đang được phổ biến tại nhiều quốc gia tiên tiến, và phát triển. Vận dụng hệ thống này để xây dựng các chuẩn năng lực và đánh giá người học chắc chắn mang lại những hiệu quả thiết thực cho giáo dục Việt Nam trong giai đoạn đổi mới hiện nay.
Pleiku, 21 tháng 11 năm 2015
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Allen. M. (2008). Document of Assessment workshop at UH Manoa. Honolulu: University of Hawaii at Manoa Insearch.
[2] Abeles. H.E. et al. (1995). The Foundation of Music Education (Nền tảng của giáo dục âm nhạc). Nhà xuất bản thuộc Trung tâm Học liệu Schirmer, Boston, Massachusset – Hoa Kỳ
[3] Assessment How to develop program student learning outcomes. (2013, August). Download từ website: http://manoa.hawaii.edu/assessment/howto/outcomes.htm
[4] Honig, A. S. (2013). Teachers Where teachers come first. Download từ webpage How to promote thinking: http://www.scholastic.com/teachers/article/how-promote-creative-thinking
[5] Mueller, J. (2012). What is Authentic Assessment. Download từ webpage Jon Mueller Home Page: http://jfmueller.faculty.noctrl.edu/toolbox/whatisit.htm
[6] Norman Gronlund (1991). How to write and use instructional objectives. New York, McMillan Publishers.